Uống rượu và chúc rượu đã có từ lâu trong nền văn hóa Á Đông, và không thể không kể đến Việt Nam. Văn hóa mời rượu của Việt Nam rất đa dạng, nhiều màu, góp phần lớn vào việc gắn kết các mối quan hệ xã hội. Sau đây, hãy cùng Rượu Tốt tìm hiểu cách mời rượu cả mâm sao cho khéo léo và phù hợp nhất.
Nguyên tắc khi mời rượu
Trong văn hóa Á Đông, “mời rượu” là quy trình bao gồm rất nhiều bước. “Mời rượu” không chỉ đơn giản là cầm chén rượu lên và cụng ly với mọi người, mà còn bao gồm từ việc rót rượu, phát biểu, cụng ly, uống rượu và hành động sau khi uống rượu. Vì vậy, cần chú ý những nguyên tắc sau trước khi đi mời rượu cả mâm.
Rót rượu theo vai vế
Khi là người châm tửu, hãy để ý vai vế, tuổi tác và chức vụ để rót rượu theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ người có chức vụ lớn nhất đến thấp hơn, từ người lớn tuổi nhất đến người bé tuổi. Nếu được người lớn tuổi hơn châm cho thì phải lấy hay tay nâng chén lên.
Nâng chén bằng hai tay
Nâng chén bằng hai tay không có nghĩa là phải hai tay cầm vào chén. Mà là khi nâng chén, một tay nâng chén rượu, tay còn lại đỡ vào cổ tay của tay nâng để thể hiện sự lễ phép đối với người khác. Việc làm này càng quan trọng đối với những người lớn tuổi, hoặc những người bạn mới gặp lần đầu.
Vị trí nâng chén phù hợp
Khi đi mời ở mâm người lớn tuổi hơn, luôn chú ý để chén của mình thấp hơn với mọi người để thể hiện sự kính trọng.
Đối với những mâm là đồng nghiệp hoặc bằng tuổi, vị trí nâng có thể thoải mái hơn.
Lời mời luôn đi kèm lời chúc
Khi mời rượu, không nên chỉ nói một câu: “Em/cháu mời…” Lời mời rượu nào cũng nên đi kèm với lời chúc, đặc biệt khi mời cả tập thể để đánh dấu cho sự kiện đặc biệt này.
Bắt tay
Khi đã uống xong, phải chủ động xin phép được bắt tay từng người. Đưa một tay ra phía trước, tay còn lại đỡ lấy cổ tay, cùng lúc gật đầu với người được mời rượu.
Lưu ý khi châm tửu
Nếu bạn là người mới hoặc nhỏ tuổi hơn trong đoàn, hãy chủ động châm tửu. Việc chủ động châm tửu cho thấy bạn là một con người tháo vát, nhanh nhẹn, và cũng thể hiện sự kính trọng đối với những người lớn tuổi hơn.
Không đổ rượu cho người khác khi họ chưa uống hết. Việc để lại rượu trong ly là thể hiện họ không thể uống hết, hoặc không muốn tiếp tục uống.
Cách mời rượu cả mâm trong các tình huống cụ thể
Cách mời rượu cả mâm trong đám cưới, tiệc tùng
1. "Hôm nay là ngày vui của cô dâu chú rể. Mà ngày vui thì phải có rượu mừng. Xin mời mọi người cùng nâng ly để chung vui với gia đình!"
2. “Ly này, chúng ta cùng chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc, sớm sinh quý tử!”
Cách mời rượu đám giỗ
"Lâu lắm rồi anh em mình mới có dịp tề tựu đông đủ. Ông bà mình ngày xưa thì quan trọng nhất vẫn ở cái đoàn kết anh em. Nay cũng nhân ngày giỗ của ông/bà… anh em mình đồng khởi, uống với nhau một ly cho tình cảm khăng khít nhé!"
Cách mời rượu cả mâm dành cho đối tác
1. "Rượu không uống thì tình không thắm, tình không thắm thì rượu cũng chẳng ngon! Nay mình có rượu thắm, tình nồng, cùng uống với nhau một ly là phải lẽ!”
2. “Ly này, xin được chúc mừng sự hợp tác của chúng ta đã thành công rực rỡ. Hy vọng mình sẽ có thêm nhiều cơ hội làm việc cùng nhau!"
3. "Ly này chúc cho sức khỏe của anh/chị như núi Thái Sơn, sự nghiệp bền vững như nước Hồng Hà."
4. "Được ngồi với các anh/chị hôm nay là niềm vui lớn, em xin phép được mời một ly để thêm gần gũi hơn."
Cách mời rượu cả mâm dành cho đồng nghiệp
1. "Rượu làm từ gạo mà ra. Ta đây uống rượu cũng là ăn cơm. Hôm nay lại có mồi ngon. Mỗi người một chén là hơn cả tuyệt vời. Chúc cho công ty ngày một vững mạnh, tình anh/chị em ta ngày một khăng khít, bền lâu!"
2. "Lâu rồi mình mới có dịp ngồi với nhau. Uống say thì cũng được thôi, nhưng mà tớ chủ trương là không cần uống say, chỉ cần uống giao lưu là đủ. Mỗi người một chén gọi là có lời chào, chúc nhau đời sống thuận lợi, công việc thăng tiến nhé!"
Xem thêm bài viết về chọn rượu tặng sếp.
Cách mời rượu khéo
1. "Miền Bắc thì có hoa đào, làm gì cũng phải lời chào đầu tiên. Miền Nam đẹp nhất hoa mai, làm gì cũng phải một hai lời chào. Nay lần gặp đầu tiên, mong chúng ta có thể cùng nâng ly để thay lời chào làm quen nhau nhé!"
2. "Mình gặp nhau nó là cái duyên, còn ngồi đây uống rượu với nhau nó là cái tình. Người có tình thì mình cùng nâng ly, cạn với nhau chén này!"
3. "Hôm nay gặp được các bác, các chú, các anh là một niềm vinh hạnh lớn. Nên là em xin phép được mời các bác, các chú, các anh nâng ly để chúc cho buổi gặp gỡ của chúng ta thêm vui vẻ và ý nghĩa."
Lưu ý khi mời rượu cả mâm
- Mời rượu cần chân thành, vui vẻ, và lịch sự; tránh những câu đùa kém duyên hoặc gây khó chịu.
- Tránh đưa bình luận tiêu cực về cách người khác uống rượu, hay về chất lượng của loại rượu đang được sử dụng.
- Không ép rượu: Uống rượu để vui, vì vậy không nên ép buộc nếu đối phương không muốn. Bạn có thể vui vẻ thay thế bằng nước lọc hoặc nước ngọt để tránh gây tình huống khó xử và xây dựng văn hóa uống rượu văn minh.
- Không uống rượu đến say bí tỉ, mất kiểm soát. Đặc biệt trong những buổi tiệc đông người, điều này có thể gây ra nguy hiểm và cũng cực kỳ “mất điểm”.
Trên đây, Rượu Tốt vừa đưa ra những cách mời rượu cả mâm độc đáo, hay ho mà cũng cực kỳ lịch sự, khéo léo. Chúc bạn có những bữa tiệc rượu vui vẻ, an toàn. Và ghi nhớ: ĐÃ UỐNG RƯỢU BIA THÌ KHÔNG LÁI XE!
Ghé trang tin tức của chúng tôi để đọc thêm nhiều kiến thức hay ho về rượu nhé!