Rượu cần nổi tiếng ở cả 3 vùng là Tây Nguyên, Hòa Bình và Sơn La. Tuy nhiên, rượu cần ở mỗi vùng lại có sự khác biệt đáng kể. Bài viết này sẽ giải đáp cho bạn xem rượu cần nổi tiếng ở vùng nào nhất và đưa ra so sánh giữa chúng.
Sơ lược về rượu cần
Rượu cần là một loại rượu truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đặc biệt phổ biến ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Rượu cần được làm từ gạo nếp hoặc các loại ngũ cốc khác như bắp và được lên men tự nhiên trong chum/ché.
Điều khiến rượu cần trở nên đặc biệt nhất là cách thức uống: thay vì uống từ cốc hay ly, người ta dùng một ống cần (bằng gỗ hoặc tre), cắm xuống để uống trực tiếp rượu từ trong chum/ché. Trong văn hóa của các dân tộc làm rượu cần, đây là nghi thức thể hiện sự gắn kết và đoàn kết giữa mọi người
Rượu cần thường được sử dụng trong các lễ hội, nghi thức cúng bái, đám cưới hoặc các buổi gặp mặt cộng đồng, tạo ra không khí thân mật và hòa hợp.
Xem thêm bài viết về Cách uống rượu cần đúng chuẩn.
So sánh rượu cần ở Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên: Đâu Mới Là Loại Rượu Đúng Chuẩn?
Khó để có câu trả lời chính xác xem rượu cần ở khu vực nào là đúng chuẩn. Lý do là bởi rượu cần ở mỗi vùng Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên đều là đặc sản của mỗi dân tộc ở vùng đó. Cũng không ai biết chính xác thời gian mà loại rượu này ra đời, tựa như rượu cần đã có từ ngàn đời.
So sánh rượu cần ở Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên
Rượu cần Hòa Bình
Rượu cần Hòa Bình là loại rượu truyền thống của dân tộc Mường. Rượu cần trong tiếng Mường gọi là “Ra̭w Toỏng”. Rượu cần được dùng để uống trong gia đình, uống trong cuộc vui tiếp khách, uống trong đám cưới, mừng nhà mới, thờ cúng trong lễ tang, lễ tạ mộ và một số nghi lễ khác.
Từ xa xưa, cần được làm bằng cây trúc hoặc thông nòng (rỗng ống). Ống rỗng tươi được hơ qua lửa rồi đem uốn tạo thành hình dáng tuỳ theo độ cong lượn của vò rượu, hình dáng không bộ cần nào giống bộ cần nào. Bình đựng rượu cần càng lâu càng trở thành quý hiếm và coi như một thứ của hồi môn.
Rượu cần được ủ bằng men là. Loại men này được chế biến từ những lá cây rừng như lá mâm xôi, vỏ long não, dây thảo quả rừng, lá lọt núi... và một thành phần không thiếu là vỏ cây gỗ mun. Bên cạnh đó là những nguyên liệu đặc biệt như lá mít, lá ổi, ớt, gừng, riềng.
Nguyên liệu đồ rượu cần gồm gạo nếp, trấu và men rượu. Người trộn men phải làm sao cho men thật đều, ngấm vào từng hạt cơm, hạt trấu. Có như thế rượu mới dùng được lâu. Khi ủ, rượu phải được đậy kín để tránh gây hỏng rượu.
Rượu cần Hòa Bình có thể uống được sau 20 ngày (nếu trời nóng) hoặc một tháng (nếu trời lạnh).
Về cách uống rượu cần Hòa Bình cũng khá đa dạng: từ uống trong gia đình đến uống với cộng đồng. Trong gia đình, rượu thường được mang uống “xúm lúm” với nhau vào buổi trưa nắng, giờ giải lao hoặc buổi tối uống cho đã thèm, đỡ mệt. Ai uống bao nhiêu thì uống chứ không theo luật tục nào. Lưu ý là trước khi uống thì cần hướng tất cả cần rượu về phía bếp một lúc với ngầm ý để ba vị vua bếp uống trước, sau đó người mới được uống.
Với cách uống theo cộng đồng bản thì tập tục uống diễn ra tương tự như bài viết ở link trên của chúng tôi.
Rượu cần Sơn La
Rượu cần Sơn La nổi tiếng nhất là rượu cần của dân tộc Thái. Để làm được một hũ rượu cần Sơn La phải có gạo hoặc ngô, khoai, sắn, y dĩ, chuối, dứa, củ mài và một số lại cây, củ, quả khác cùng men rượu.
Men được làm từ bột gạo nếp hoặc gạo tẻ, trộn với các loại lá cây như đu đủ, quế, lá đào và một số lá khác tạo hương thơm, độ đắng ngọt của rượu. Tuy nhiên, men rượu cần Sơn La chủ yếu vẫn là gạo.
Rượu được ủ trong vò, để ở nơi khô ráo, sạch sẽ. Vò nhỏ từ 15 - 20 ngày là dùng được, còn vò to từ 1 tháng đến 6 tháng mới uống được.
Cách uống rượu cần Sơn La có phần giống với rượu Cần Tây Nguyên và cũng đã có trong bài viết trên của chúng tôi. Xe rượu hay còn gọi là cần rượu được làm bằng cây trúc trên rừng hoặc cây mây.
Rượu cần Tây Nguyên
Rượu cần Tây Nguyên là loại rượu truyền thống của nhiều dân tộc như Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng, M'nông. Trong đó, nơi nổi tiếng nhất về rượu cần Tây Nguyên là Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), được coi là “thủ phủ” của rượu cần.
Rượu cần Tây Nguyên còn có tên là “lảu kép” (rượu trấu), “lảu bẳng” (rượu ống), “lảu co” (rượu cây), “lảu xá” ( rượu vỏ trấu), “lảu xả” (rượu của người Xá, dân tộc Khơ mú).
Men rượu cần Tây Nguyên được các dân tộc làm rất công phu từ các loại lá rừng có tinh dầu, các loại thuốc bắc, gừng, riềng. Nguyên liệu chính (cái rượu) được làm từ những loại ngũ cốc thông dụng như ngô (bắp), sắn (khoai mì), gạo nếp, gạo tẻ, hạt ý dĩ, hạt bo bo, hạt cào (một loại cỏ), kê v.v.
Với mỗi cái rượu sẽ cho một hương vị ngọt ngào riêng cho rượu cần thành phẩm. Tuy nhiên ở Tây Nguyên ưa chuộng nhất theo thứ tự là rượu cào, bo bo, kê, rồi mới đến gạo, bắp.
Khác với các dân tộc khác, người Êđê và M’nông chỉ dùng một chiếc cần duy nhất để uống. Thứ tự uống cũng khác: khi thầy cúng cúng xong, mọi người vít cần uống rượu theo thứ tự nữ uống trước, nam uống sau hoặc theo thứ tự chủ nhà, thầy cúng, anh hoặc em bà chủ nhà, người già. Còn lại, cách uống rượu cần Tây Nguyên cũng giống như bài viết đã có của chúng tôi.
Nhận xét chung về rượu cần nổi tiếng ở từng vùng
Điểm chung
Điểm chung của các loại rượu cần là hương vị rượu sẽ được điều chỉnh để phù hợp cho cả nam và nữ. Rượu cần dành cho nữ được lên từ men ngọt, sẽ có hương vị ngọt ngào dễ uống hơn. Rượu cần dành cho nam được lên từ men đắng, cho vị đậm, đắng, uống rất bốc.
Điểm khác biệt
Rượu cần Hòa Bình sẽ có sự khác biệt hơn cả so với rượu cần Sơn La và Tây Nguyên. Rượu cần Sơn La và Tây Nguyên do sử dụng cả nếp và bắp nên sẽ có sắc vàng đục hơn, đặc biệt có mùi thơm rất đặc trưng của gạo nếp hoặc bắp. Trong khi rượu cần Hòa Bình sẽ có màu trắng trong hoặc hơi đục.
Ngoài ra, rượu cần Tây Bắc (bao gồm rượu cần Hòa Bình và Sơn La) sẽ mang ý nghĩa của sự đoàn viên hơn; trong khi rượu cần Tây Nguyên thiên về tâm linh. Họ tin rằng rượu cần mang đến sự may mắn, thịnh vượng và là lời cầu nguyện cho sức khỏe, hạnh phúc.
Rượu cần nổi tiếng ở vùng nào?
Như đã nói ở trên, rượu cần Sơn La, Hòa Bình hay Tây Bắc đều đã có lịch sử lâu đời và nổi tiếng. Tuy nhiên nếu phải chỉ ra loại rượu nào xếp top 1, thì rượu cần nổi tiếng nhất là rượu cần ở vùng Tây Nguyên. Rượu cần Tây Nguyên đã phát triển mạnh từ rất lâu và cũng phổ biến hơn cả ở Tây Nguyên, Việt Nam và trên thế giới.
Dù vậy, mỗi loại rượu cần vẫn mang đến những trải nghiệm khác biệt cho người thưởng thức và đều xứng đáng được trân trọng như những biểu tượng của văn hóa dân tộc.
Trên đây, Rượu Tốt vừa giúp bạn giải đáp câu hỏi Rượu cần nổi tiếng ở vùng nào. Ghé trang tin tức của chúng tôi để đọc thêm nhiều kiến thức hay ho về rượu nhé!