ABV có nghĩa là nồng độ cồn theo thể tích (viết tắt của từ Alcohol By Volume). Vậy cách tính nồng độ cồn theo thể tích như thế nào? Nồng độ cồn và ABV có giống nhau? Tại sao việc tìm hiểu về ABV lại quan trọng? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của chúng tôi.
ABV là gì và tại sao nó quan trọng?
ABV thường được gọi với một cái tên khác là nồng độ cồn (hay nồng độ ethanol). Một loại rượu có chỉ số ABV càng cao thì đồ uống càng có hương vị nồng, đắng và “nặng hơn”.
Ví dụ: Một chai rượu whisky thể tích 700ml có nồng độ cồn ở mức 40% ABV, tức là trong đó có 40% thể tích là cồn nguyên chất (ethanol) - tương đương (40% x 700ml =) 280ml cồn.
Việc tìm hiểu về ABV sẽ giúp bạn ước tính tốt hơn tác động của đồ uống có cồn đối với cơ thể, từ đó kiểm soát lượng rượu uống vào. Khi nào có thể uống nhiều hơn một ly và khi nào thì cần dừng lại. Đặc biệt khi nước ta đang thắt chặt xử phạt vi phạm nồng độ cồn, hiểu biết về ABV là gì sẽ giúp bạn tự nhắc nhở bản thân để tham gia giao thông một cách có trách nhiệm hơn.
Nồng độ cồn và ABV có giống nhau?
Theo lẽ thông thường, khi người Việt Nam nhắc đến nồng độ cồn thì nồng độ cồn và ABV là như nhau.
Tuy nhiên, “Có” là một câu trả lời quá tuyệt đối và sẽ không hoàn toàn đúng trong một vài trường hợp. Nếu bạn là người uống nhiều rượu ngoại, đôi khi bạn sẽ phát hiện có những chai sử dụng đơn vị khác để chỉ cho “nồng độ cồn” - là “proof”.
Tương tự như ABV, proof cũng là đơn vị đo lường được sử dụng để xác định lượng ethanol (rượu etylic) trong đồ uống có cồn. Tuy nhiên, nồng độ cồn tính theo proof có sự chênh lệch đáng kể so với ABV.
- Ở Vương quốc Anh, tỷ lệ giữa proof và ABV là 4:7. Tức là, nếu bạn nhân số ABV với 1,75, bạn sẽ có nồng độ cồn theo proof. Ví dụ, một loại rượu có 100 độ proof sẽ có nồng độ ABV khoảng 57%.
- Ở Hoa Kỳ, proof sẽ lớn gấp đôi ABV. Ví dụ, một chai rượu rum trung bình có 36% ABV, thì nó có 72 proof. Đây cũng là công thức được áp dụng rộng rãi nhất để quy đổi proof ra ABV và ngược lại.
- Ở Pháp, độ proof và ABV lại như nhau.
Như vậy, nếu có một người cầm trên tay một chai rượu mạnh và nói rằng nó có nồng độ cồn là 100 độ (nhưng thực chất chỉ có 50% ABV), thì họ cũng không sai. Điều quan trọng là họ hiểu chai rượu của mình đến đâu, và bạn thường sử dụng từ “nồng độ cồn” theo nghĩa nào.
Ví dụ đơn giản nhất, có thể check chai rượu này: Jack Daniels 100.
ABV là thuật ngữ về nồng độ cồn tiên tiến nhất
Những thuật ngữ đầu tiên về nồng độ cồn bắt đầu manh nha vào thế kỷ 16, khi chính phủ Anh áp thêm thuế đối với "rượu mạnh có nồng độ cồn cao". Ban đầu, công việc được ước tính dựa trên một thí nghiệm xem loại chất lỏng này có bắt lửa không (hoặc có đốt được thuốc súng ngâm trong rượu không). Thường những chất lỏng gây bốc cháy sẽ có nồng độ ở mức 100 proof và bị đánh thuế cao hơn.
Sang đến thế kỷ 19, người ta đã sử dụng một phương pháp nâng cao hơn là cân lượng cồn trong một thể tích chất lỏng cố định và so sánh với trọng lượng của nước tinh khiết. Nồng độ cồn lúc này được xác định là ABW, hay "cồn theo trọng lượng" (alcohol by weight).
Tuy nhiên, phương pháp này không chính xác lắm vì mật độ của cồn và nước thay đổi theo nhiệt độ và áp suất. Do đó, một phương pháp đáng tin cậy hơn đã được phát triển, bao gồm việc đo thể tích cồn trong một thể tích chất lỏng cố định ở nhiệt độ và áp suất tiêu chuẩn. Phương pháp này chính là ABV, được thiết lập lần đầu tiên vào năm 1884 tại Hoa Kỳ.
Ngày nay, ABV là đơn vị đo hàm lượng cồn được sử dụng và chấp nhận rộng rãi nhất trong các loại đồ uống trên toàn thế giới. Nó cũng được sử dụng cho mục đích khoa học và y tế, chẳng hạn như tính nồng độ cồn trong máu (BAC - blood alcohol concentration) và xác định giới hạn uống an toàn.
Nồng độ cồn phổ biến của các loại đồ uống có cồn nổi tiếng
Nồng độ cồn trung bình của bia là 4,5% ABV, rượu vang là khoảng 11,6% ABV và rượu mạnh là 37% ABV. Những loại đồ uống có nhãn “không cồn (alcohol-free)” (như bia không cồn) nếu nồng độ của nó không vượt quá 0,05% ABV. Nếu nó không quá 0,5% ABV thì đồ uống được coi là đã khử cồn (de-alcoholized).
Cụ thể hơn về nồng độ cồn theo thể tích (ABV) của từng loại như sau:
- Rượu vang trắng: 5 – 14% (trung bình khoảng 10%)
- Rượu vang đỏ: 12 – 15%
- Rượu vang tăng cường: 16 – 24%
- Rượu mùi: 15%
- Bourbon/Whiskey: 36 – 50%
- Rượu rum: 36 – 50%
- Gin: 36 – 50%
- Tequila: 40 – 50%
- Vodka: 40 – 95%
Xem thêm bài viết về: Các loại rượu Tây nổi tiếng.
Mẹo tính nồng độ cồn trong các loại cocktail
Nếu bạn đam mê và muốn tìm hiểu sâu về cocktail, thì tính nồng độ cồn là một việc làm hay và không khó.
Có một công thức khá đơn giản giúp bạn tính được nồng độ cồn trong cocktail là:
[Tổng (nồng độ cồn x thể tích rượu) / tổng thể tích đồ uống] x 100 = phần trăm ABV.
Hay [Total (alcohol content x liquor volume) / total drink volume] x 100 = ABV percentage.
Để thực hiện phép tính này, hãy bắt đầu bằng cách liệt kê các thành phần có cồn trong cocktail của bạn. Nhân từng thành phần với độ mạnh riêng của nó và cộng tổng, sau đó chia cho thể tích của cocktail đó.
Thông thường, các loại cocktail mạnh có nồng độ cồn ABV khoảng 30% như Martini (30%), Manhattan (30%), Old Fashioned (32%), nồng độ cồn trung bình là khoảng 25% như Margarita (26%), Negroni (24%), nhẹ nhất là khoảng 10% (Mimosa)...
Rượu Tốt vừa cho bạn cái nhìn chi tiết nhất về ABV là gì và giải đáp cho câu hỏi nồng độ cồn và ABV có giống nhau? Ghé trang tin tức của chúng tôi để đọc thêm nhiều kiến thức hay ho về rượu được cập nhật mới mỗi ngày nhé!